Rơi vào trùng vây Lại_Văn_Quang

Quân Đông Niệp tiến vào (bán đảo) Giao Đông (tức khu vực phía đông của sông Giao Lai), Lý Hồng Chương lấy Vận Hà làm vòng ngoài, Giao Lai Hà làm vòng trong, tiến hành bố phòng; men theo Giao Lai Hà đặt trọng binh làm bộ chỉ huy, giăng thuyền làm rào chắn; đồng thời lấy Hoàng Hà làm phòng tuyến mặt bắc, Lục Đường Hà thuộc Tô Bắc làm phòng tuyến mặt nam, hòng vây khốn nghĩa quân. Nghe tin, Văn Quang chuyển hướng đi Lai Dương, Tức Mặc, đột kích Ma Loan Khẩu ở phía nam Giao Lai Hà không xong, chuyển lên đột kích Tân Hà ở phía bắc cũng không được; sau đó dò biết ở phía bắc Giao Lai Hà có bãi cát không thể xây đê, đó là một đoạn của Duy Hà chảy ra biển, quan quân lại phòng ngự rất sơ sài [6], bèn vào ngày 19 tháng 8, từ bãi cát bên ngoài miếu Hải Thần, dốc toàn lực đột phá phòng tuyến quan quân, vượt Duy Hà, tây tiến đến huyện Duy (nay là khu Hàn Đình, địa cấp thị Duy Phường), Xương Lạc [7].

Nghĩa quân tuy vượt qua phòng tuyến Giao Lai Hà, nhưng vẫn nằm trong khoảng giữa Giao Lai Hà và Vận Hà. Văn Quang đi qua An Khâu, Lâm Cù rồi nam hạ Cử Châu, Nhật Chiếu, tiến đến các nơi Cống Du, Đàm Thành, Bi Châu, Túc Thiên, Thuật Dương thuộc giao giới Lỗ - Tô, nhưng không thể đột phá phòng tuyến của quan quân. Văn Quang rẽ về Lâm Nghi, Duyện Châu Phủ thuộc Sơn Đông, tại đây lại bị quan quân ngăn trở, tây không vượt được Vận Hà, bắc không vượt được Hoàng Hà; lại thêm mưa thu dầm dề, nước sông dâng cao, khiến cho phạm vi tác chiến nhỏ hẹp, lương thực thiếu thốn, tình thế ngày càng nguy khốn.

Ngày 12 tháng 11, nghĩa quân bị quan quân của Lưu Minh Truyền tập kích ở núi Tùng Thụ thuộc huyện Duy, 1 ngày thua 3 trận, chủ lực tổn thất, vì thế chạy về phía nam đi Giang Tô. Ngày 19, lại thua ở Cống Du, Lỗ vương Nhiệm Hóa Bang bị bộ hạ làm phản sát hại. Sau đó, Văn Quang trở lên Sơn Đông. Ngày 5 tháng 12, nghĩa quân bị Lưu Minh Truyền mai phục trong khoảng giữa huyện Duy, Thọ Quang nên đại bại. Ngày 24, Văn Quang triển khai trận quyết chiến cuối cùng ở khoảng giữa Bắc Dương HàDi Hà ở phía nam Thọ Quang, nghĩa quân bị giết hơn 2 vạn, bị bắt hơn 1 vạn, Thủ vương Phạm Nhữ Tăng tử trận. Ông đưa khoảng 4, 5000 tàn binh nam hạ, đêm mồng 1 tháng giêng (1868, vẫn còn trong năm Âm lịch), từ Hưng Hà Đầu, Trương Gia Loan thuộc phía nam Thuật Dương, đột phá phòng tuyến Lục Đường Hà, men bờ nam Vận Hà chạy đi Hoài An, Bảo Ứng và Tiên Nữ Miếu (nay là Giang Đô). Trên đường nghĩa quân nhiều lần bị chặn đánh, lực lượng càng lúc càng ít đi. Ngày 5 tháng giêng, Văn Quang đưa hơn ngàn người đi thẳng đến Ngõa Diêu Phố ở đông bắc Dương Châu, bị quân Hoài của đạo viên Ngô Dục Lan chặn đánh. Ông bị thương và bị bắt, quân Đông Niệp hoàn toàn thất bại.

Trong nhà lao, Văn Quang ghi lại quá trình hoạt động của nghĩa quân Thái Bình Thiên Quốc và Tân Niệp. Tự thuật của ông, Lý Tú Thành, Hồng Nhân Can là 3 nguồn tư liệu quan trọng nhất về hai cuộc khởi nghĩa lớn phản kháng nhà Thanh còn lưu lại đến ngày nay. Ngày 10 tháng giêng, Văn Quang bị hành hình ở Lão Hổ Sơn bên ngoài thành Dương Châu.